Trường mẫu giáo Nhật sử dụng máy tính bảng để dạy học.
Thay vì dùng bút chì màu trong giờ học vẽ, giáo viên hướng dẫn các bé tô màu bằng cách chạm vào màu sắc trên màn hình iPad.
Coby nằm ở một thị trấn nhỏ phía Đông Bắc của Tokyo, là một trong 400 trường mẫu giáo ở Nhật Bản đang sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh, được thiết kế đặc biệt cho trẻ mẫu giáo với tên gọi KitS. Đó là sự khởi đầu cho một sáng kiến về “vui chơi kỹ thuật số” (digital play) tại quốc gia này.
Nền giáo dục Nhật Bản vốn tập trung vào ba kỹ năng “đọc – viết – tính toán”, nay đã tăng cường chính sách quốc gia về công nghệ giáo dục, song song với nỗ lực cung cấp một thiết bị kỹ thuật số cho mỗi trẻ em.
KitS được phát triển bởi SmartEducation, một startup có trụ sở tại Tokyo. Ứng dụng này cho phép trẻ em tô màu các loài chim và hoa với đồ họa ba chiều. Trẻ cũng vẽ nhiều sinh vật khác, khi chuyển sang hình ảnh máy tính, chúng bơi lội hoặc trôi dạt trong cảnh quan ảo.
Trẻ có thể tô màu lên một hình tam giác trên iPad, rồi vẽ một hình khác để tạo ra một câu chuyện từ hai màn hình. Các em sau đó được khuyến khích đứng trước lớp và giải thích những gì đã vẽ.
“Không có câu trả lời đúng hay sai. Các bé tự học, được suy nghĩ tự do với nhiều ý tưởng thú vị. Mục đích của trò chơi là nuôi dưỡng sự sáng tạo, tập trung và kỹ năng lãnh đạo” Akihito Minabe, hiệu trưởng trường mầm non Coby nói.
Theo The Genius of Play – một chương trình nghiên cứu về giáo dục và vui chơi, ở Mỹ, 98% trẻ em từ 8 tuổi trở xuống có thiết bị di động trong nhà, 43% có máy tính bảng riêng. Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, mỗi người lớn ở nước này có ít nhất một chiếc điện thoại thông minh và khoảng một nửa trẻ mẫu giáo có quyền truy cập vào một thiết bị di động.
Theo Patricia Cantor, giáo sư về giáo dục mầm non tại ĐH Plymouth State ở New Hampshire, màn hình cảm ứng của máy tính bảng khá trực quan, trẻ em không cần đào tạo vẫn có thể sử dụng ở giới hạn nhất định. Christothea Herodotou, giảng viên ĐH Mở tại Vương quốc Anh lại nhận định, trẻ nhỏ sử dụng thiết bị di động có cải thiện trong kỹ năng đọc viết, khoa học hoặc toán học.
Các chuyên gia cho rằng vui chơi chính là cách trẻ học tập. Đồ chơi có thể dạy cho trẻ lập trình đơn giản, hay sử dụng thực tế ảo tăng cường (AR) giúp các nội dung học trở nên sống động hơn.
Các lớp học của Nhật Bản có xu hướng tuân thủ hơn ở phương Tây. Trẻ em thụ động ở mức độ nhóm chứ không phải cá nhân. Do đó, ứng dụng KitS đã tìm cách làm cho các hoạt động tại trường mầm non của Nhật trở nên thú vị hơn, một trong các mục tiêu là để nuôi dưỡng sự cởi mở.
Bên cạnh đó, dạy kỹ năng số từ sớm cũng mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Tương lai, khi các bé 5 tuổi hiện nay trưởng thành và đi làm, hầu hết các công việc sẽ đòi hỏi kỹ năng máy tính. Với dân số có xu hướng già hóa của Nhật Bản, mọi người có thể vẫn sẽ làm việc ở tuổi 80, thay đổi công việc nhiều lần. Kỹ năng số sẽ ngày càng quan trọng.
Những trường học như Coby đang được Chính phủ Nhật trợ giá. Học sinh có thể nhắn tin qua iPad để gửi cho bố mẹ ảnh về các hoạt động tại lớp, chia sẻ về những buổi biểu diễn sắp tới. Đại diện trường mầm non Coby cho biết, những đứa trẻ luôn muốn trò chuyện với bố mẹ nhưng không phải phụ huynh nào cũng hiểu điều đó. Bởi vậy, sự tương tác trên đã khuyến khích việc giao tiếp trong gia đình đa dạng và gần gũi hơn.
“Tôi nhận ra mình có xu hướng chủ động chia sẻ chứ không chờ đợi những gì bọn trẻ nói” Masami Uno, một phụ huynh có hai con học tại Coby cho biết.
Chia sẻ với AP về dự định việc làm tương lai của mình, một số trẻ của Coby cho biết muốn trở thành diễn viên múa ba lê, hoặc cầu thủ bóng đá, không ai nói sẽ trở thành lập trình viên. Tuy vậy, các em đều khẳng định rất thích KidS.