“Đèn dung nham”
THÍ NGHIỆM “ĐÈN DUNG NHAM”
Chuẩn bị:
– Dầu ăn
– Nước
– Phẩm màu
– Chai nhựa/ Cốc thuỷ tinh
– Vài viên C sủi.
Tiến hành: Đổ dầu ăn vào đầy 2/3 cốc thuỷ tinh. Pha nước với phẩm màu để tạo màu sắc bạn yêu thích, rồi từ từ rót nước màu vào cốc chứa dầu ăn. Bạn sẽ quan sát thấy nước màu rơi xuống đáy cốc. Thả C sủi vào cốc và chiếu đèn pin/ đèn flash qua thành cốc để quan sát rõ nét cốc đèn dung nham đang phun trào bên trong.
Giải mã bí ẩn:
Để tăng cường tư duy của học sinh, bạn có thể đặt ra các câu hỏi trước khi giải thích đầy đủ:
– Tại sao nước màu lại rơi xuống đáy cốc? Nước có tan vào dầu ăn không?
– C sủi có tan trong dầu ăn không?
– Các hạt nước màu có dừng lại lơ lửng trong dầu ăn không hay lại rơi xuống đáy? Nó phun trào đến vị trí nào trong mức dầu ăn?
Quan sát kĩ thí nghiệm, chúng ta sẽ thấy ngay rằng nước nặng hơn dầu và không tan trong dầu, nên chúng tách thành 2 lớp rõ rệt. C sủi chỉ tan trong nước, khi tan tạo ra rất nhiều các bọt khí. Các bọt này tạo ra các hạt nước màu chứa khí bên trong bay lên thoát ra khỏi lớp nước, đi lên lớp dầu và khi chạm đến bề mặt trên cùng của dầu, khí thoát vào không khí, trả lại hạt nước màu rơi xuống dưới. Quá trình này nhìn giống như lớp nước màu đang phun trào trong lòng lớp dầu ăn phía trên rất đẹp mắt.
Đèn dung nham khi chiếu thêm flash!
Đèn dung nham đơn giản trong chai nhựa!
Hai thí nghiệm này rất đơn giản, hiện tượng lại đẹp mắt thú vị. Nếu có điều kiện, các phụ huynh, các giáo viên hoàn toàn có thể tiến hành cùng với các em học sinh. Chắc chắn rằng các em sẽ có thêm hứng thú với khoa học tự nhiên, với môn Hoá học vốn “khó nhằn”!